Ngày trước ở các miền quê, dù là nhu cầu cần bột khô hay bột nước người dân đều phải dùng chiếc cối đá xay bột. Xay khô thì gạo, đậu rang hoặc làm sạch theo ý muốn rồi đổ vào cối để xay. Xay bột nước cũng tương tự nhưng do có đổ thêm nước nên khi xay bột thấy nhẹ tay hơn.
Không biết tự bao giờ, những người thợ đá miền Thất Sơn, Hà Tiên hay từ vùng núi đá Bình Định, Phú Yên đã đẽo gọt những tảng đá khối thành hình những chiếc cối đá xay bột rồi vận chuyển đi khắp nơi để bán cho người miền quê. Với người dân vùng quê, mua một cái cối đá xài cả mấy đời người.
Cối có hai thớt, thớt trên có hai lỗ đối diện nhau để gắn tay cầm, thớt dưới có rãnh cho bột chảy xuống. Cối hình trụ tròn, thớt trên có lỗ để cho gạo, nếp hay đậu xanh, đậu nành vào xay. Miệng thớt dưới chìa ra để có thể buộc bồng vải để dằn cho bột khô, … Răng cối mòn thì đục lại. Ngõng cối ở giữa thớt dưới trồi lên “ăn” vào cái lổ có sẵn ở thớt trên. Nhờ vậy mà khi xay cối giữ được thăng bằng. Ngõng cối làm bằng cây ổi già hay vú sữa là bền và bột xay ngon nhất. Kinh nghiệm dân gian đã bao đời truyền lại như vậy. Năm tháng trôi đi, không chỉ lòng cối đá mòn đến nhẵn thín, mà mặt đáy của cối đá cũng trở nên nhẵn nhụi bóng bẩy.
Ở miền Tây Nam bộ với đặc trưng cơ bản là sông nước, kênh rạch chằng chịt như ô bàn cờ. Phương tiện đi lại thuận tiện nhất là chiếc xuồng ba lá. Ngày trước, nền kinh tế miền quê này chủ yếu là tự túc tự cấp. Trẻ con, người lớn suốt ngày chỉ quanh quẩn ngoài đồng ruộng, tối về nhà, sáng ra đồng. Chuyện ăn quà bánh mua ở chợ ở thành họa hoằn một năm được đôi lần.
Công việc đồng áng rồi cũng có lúc nhàn rỗi nên các bà các mẹ thường làm bánh nắn lá, hấp bánh chuối hay bánh da lợn, bánh bò cho tụi nhỏ ăn chơi, cho cha mẹ đổi chút khẩu vị, đặc biệt là khi nhà có đám giỗ hay thôi nôi, đầy tháng, cưới, hỏi, … Việc làm thêm vài miếng bánh in, gói vài chục bánh ít hay nướng bánh kẹp, nấu trăm viên chè sôi nước là chuyện không xa lạ. Để có những thứ bánh ngọt ngào, thơm ngon ấy ngoài những thực phẩm như gạo, nếp, đường, củ, quả, … dụng cụ làm bánh không thể thiếu là chiếc cối đá xay bột.
Tùy theo loại bánh mà người ta cần bột khô hay bột nước. Xay khô thì gạo, đậu rang hoặc làm sạch theo ý muốn rồi đổ vào xay. Xay bột nước cũng tương tự nhưng do có đổ thêm nước nên khi xay bột nhẹ tay hơn. Bột xay xong là coi như bánh đã làm được hơn nửa phần. Những ngày rảnh rỗi các bà mẹ lo xa còn ngâm gạo, nếp xay sẵn rồi đem bẻ ra từng miếng phơi khô trên các liếp tre. Bột khô bỏ vô hủ sành, xé ít lá chuối phủ lên trên để dành. Càn nấu chè, làm bánh là có ngay khỏi phải mất nhiều công ngâm gạo, xay bột, …
Ngày nay, khi kinh tế phát triển đường sá thông thoáng, việc dùng điện để xay bột hay dùng sẵn bột từ các nhà máy chế biến đã làm cho hình bóng chiếc cối đá xay bột đã dần lùi xa vào dĩ vãng.
Phạm công lâm
18/06/2020